Phân biệt thuốc và dạng thuốc

Thuốc là gì

Thuốc (hay còn được gọi là dược phẩm) là sản phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, khoáng vật, sinh học được bào chế để dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, phục hồi, điều chỉnh chức năng của cơ thể, làm giảm cảm giác một bộ phận hay toàn thân, làm ảnh hưởng quá trình sinh đẻ, làm thay đổi hình dáng cơ thể.

Định nghĩa bào chế học là gì
Phân biệt thuốc và dạng thuốc

Dạng thuốc là gì

Dạng thuốc là hình thức trình bày của dược chất để đưa dược chất đó vào cơ thể với mục đích tiện dụng, dễ bảo quản và phát huy tối đa tác dụng điều trị của dược chất. Như: dạng viên nang để uống, dạng thuốc kem để bôi ngoài da...

Thành phần của một dạng thuốc

Gồm: Dược chất, tá dược và bao bì.

Dược chất

Dược chất hay hoạt chất là tác nhân tạo tác động sinh học được sử dụng nhằm các mục đích điều trị, phòng hay chẩn đoán bệnh.

Khi đưa vào dạng thuốc, dược chất có thể bị giảm hoặc thay đổi tác động sinh học do ảnh hưởng của tá dược, kỹ thuật bào chế và bao bì. Cho nên cần phải nghiên cứu kỹ để tránh ảnh hưởng của các phụ gia (tá dược, bao bì, v.v)

Tá dược

Tá dược là các chất phụ không có tác dụng dược lý, được thêm vào trong công thức nhằm tạo ra các tính chất cần thiết cho quá trình bào chế, bảo quản, sử dụng của thuốc.

Tá dược có ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc, do đó tá dược phải được lựa chọn một cách thận trọng tùy theo từng dạng thuốc và từng chế phẩm cụ thể.

Bao bì

Bao bì được chia làm 2 loại:
  • Bao bì cấp 1: là bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc do đó cũng được xem như là thành phần của dạng thuốc. VD: Ống, lọ, chai chứa dung dịch thuốc tiêm; Vỉ hoặc chai, lọ chứa thuốc viên.
  • Bao bì cấp 2: là bao bì bên ngoài không tiếp xúc trực tiếp với thuốc. VD: Hộp giấy chứa thuốc tiêm; Hộp chứa vỉ thuốc.
Bao bì cấp 1 và bao bì cấp 1 đều quan trọng vì cùng đóng vai trò trong việc trình bày, nhận dạng, thông tin và bảo vệ thuốc.