Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, trong quyển sách (*) của mình cùng các đồng nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến tâm sự: "phải nhận thức được sự khác biệt giữa học phổ thông và học đại học"
- Học phổ thông: Bố mẹ gia đình giám sát; mỗi học kỳ, mỗi năm có họp phụ huynh, học hoàn toàn theo sách giáo khoa và chủ yếu là học thuộc lòng; ở trường được thầy cô kèm cặp uốn nắn từng dấu chấm, dấu phẩy.
- Học đại học: khối lượng kiến thức cực lớn và rất khó, trong khi thời gian lại có hạn, học trên tinh thần tự giác và tự lực của bản thân là chủ yếu; một chủ đề phải đọc tham khảo nhiều tài liệu; phương pháp dạy và học đại học khác xa ở phổ thông, như: lớp đông, thời gian học ở lớp rất ít, cách thức kiểm tra, thi cử, đánh giá cũng khác…”
Thầy đúc kết 10 quy tắc học tập, bạn đọc có thể tham khảo, như sau:
Quy tắc 1
Không có một phương pháp mầu nhiệm nào “không học mà biết!” không có bất kỳ ai có thể học thay cho mình! Học nhiều biết nhiều, học ít biết ít, không học không biết! Việc học và nghiên cứu khoa học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi!
Quy tắc 2
Không có tiền bạc nào mua nổi kiến thức, hay nói cách khác, kiến thức không thể mua bán được. Quả vậy, trên thế giới này có biết bao nhiêu người giàu có, nếu có tiền là mua được kiến thức, thì những người nghèo sẽ không có cơ hội học được một chữ nào.
Quy tắc 3
Không học một cách thụ động, chung chung, mơ hồ, mà phải hiểu thấu đáo vấn đề mình đang học.
Theo ý thầy, việc hiểu ngọn ngành sẽ tạo những nếp nhăn rõ hơn trong não.
Quy tắc 4
Chỉ có lao động trí óc mới nâng cao được năng suất lao động.
Quy tắc 5
Có thể biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn thông qua quá trình tích lũy tri thức và kinh nghiệm.
Quy tắc 6
Lao động trí ốc có tính thừa kế theo hình trôn ốc đi lên.
Thầy nói rằng chính bản thân đã tự học tiếng Anh mà không tham gia bất cứ khóa học nào. Việc đọc sách chuyên môn rất cần thiết. Khó khăn nhất vẫn là ở trang đầu tiên, cố gắng tra từ điển dịch ra tiếng Việt, nhưng đến trang thứ 2 thì có chút tiến bộ (thay vì mất 1000 giây cho trang đầu, trang thứ hai chỉ cần 999 giây!). Ngày 8 tiếng. Và cứ như thế đến trang thứ 1000 thì việc đọc tiếng Anh như đọc tiếng Việt!
Quy tắc 7
Thua thiệt luôn thuộc về những sinh viên lừng khừng.
Ấy là kinh nghiệm hơn chục năm giảng dạy. Việc đặt mục tiêu cao hơn, đòi hỏi sinh viên cần đầu tư và nỗ lực nhiều hơn so với mục tiêu trung bình. Những gì tích lũy từ năm đầu có tính hỗ trợ cho những năm sau rất nhiều.
Quy tắc 8
Vai trò của tài liệu học tập và nghiên cứu.
“Đọc sách là con đường ngắn nhất để tích lũy tri thức của nhân loại”, thầy khẳng định.
Quy tắc 9
Tiếp cận thực tế đối với sinh viên.
nghĩa là phải chủ động tham gia bài tập nhóm, viết và thảo luận các vấn đề thực tế đang diễn ra trong xã hội với chuyên ngành của mình, gọi là “học đi đôi với hành”.
Quy tắc 10
Việc tranh thủ làm thêm của sinh viên.
Thầy hoàn toàn không đồng ý với quan niệm đi làm thêm để cọ sát thực tế. Như đã nói ở trên, năm đầu tiên là rất quan trọng. Thầy khuyên sinh viên nên tận dụng tín dụng sinh viên để dành toàn thời gian cho học tập. Điểm cao sẽ giúp sinh viên dễ dàng có việc làm khi ra trường và đồng thời, lương cao hơn trả nợ nhanh hơn. Bên cạnh đó, thầy khuyến khích mỗi sinh viên hãy là chuyên gia trong chuyên ngành của mình khi còn ngồi ở giảng đường, có nhất nghệ tinh thì mới nhất thân vinh!
Trên đây là tâm sự chân thành của thầy Nguyễn Văn Tiến. Còn bạn, bạn là một sinh viên năm nhất hay là sinh viên năm cuối? Làm sao để học tốt trong năm đầu giảng đường đại học? Xin cho tôi biết suy nghĩ của bạn ở phần bình luận bên dưới!
(*) Nguyễn Văn Tiến. 2010. Giáo trình Kinh tế Tiền tệ - Ngân hàng. Nhà xuất bản Thống Kê.