Tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Về nguyên tắc, Nhà nước có đầy đủ các quyền sử dụng, hưởng lợi, quản lý và định đoạt đối với đất. Quyền định đoạt bao gồm 2 loại quyền cơ bản:(1): Giao đất, cho thuê đất để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
(2): Quyền thu hồi đất đã giao hoặc cho thuê để sử dụng theo mục đích quy hoạch và quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng đất với giá quy định (còn gọi là quyền tiên mãi) để sử dụng vì lợi ích chung.
Trên thực tế, hầu hết diện tích đất Nhà nước đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng và đã được đầu tư trên đất ở các mức độ khác nhau. Các chủ sử dụng đất cũng tạo lập đời sống sinh họat, sản xuất kinh doanh trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của họ. Do đó khi thu hồi đất sẽ gây ra xáo trộn lớn về đời sống hoạt động cùng với những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người sử dụng đất . Việc bồi thường các thiệt hại này và sắp xếp đời sống người dân bị thu hồi đất là một trách nhiệm đương nhiên của Nhà nước và chủ đầu tư.
Giải quyết tốt vấn đề này, trong đó chủ yếu là hài hòa lợi ích của các bên liên quan sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và ổn định xã hội. Tái định cư và bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất trở thành một vấn đề xã hội lớn, chứ không đơn thuần là vấn đề phát triển kinh tế hoặc quản lý đất đai, phát triển thị trường bất động sản.
Bản chất của bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất không phải là quan hệ mua bán đất đai (hay quyền sử dụng đất) dù nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào. Thực chất nhà nước có trách nhiệm xác định những thiệt hại để bồi thường nhằm ổn định và nâng cao đời sống người dân khi bị thu hồi đất. Thu hồi và bồi thường thiệt hại về đất mang ý nghĩa của việc thực hiện quyền của nhà nước chứ không phải đơn thuần là một quan hệ giao dịch có tính chất ngang giá.
Trong tổ chức thực hiện, Nhà nước có thể trực tiếp đứng ra thu hồi và bồi thường thiệt hại, nhưng cũng có thể giao cho các tổ chức khác thực hiện quyền này, theo những quy định mà nhà nước đã ban hành.